Header Ads

ads header

Những phụ nữ quyền lực trong thế giới dầu lửa

Ít người để ý rằng công nghiệp dầu khí hiện nay có rất nhiều quý bà, thậm chí vài người trong số họ phải nói là "xinh ra phết", ngồi ở ghế điều hành…
Như một cách hiểu bất thành văn, công nghiệp dầu khí được mặc nhiên là sân chơi của phái nam. Những chiếc giàn khoan phơi mình ngày đêm với ánh nắng hừng hực và gió biển mặn chát rõ ràng chẳng là môi trường sống thích hợp cho phụ nữ và nếu có mặt nữ giới đi chăng nữa thì họ chỉ làm những việc đại loại như bếp núc hoặc vệ sinh dọn dẹp. Tuy nhiên, ít người để ý rằng công nghiệp dầu khí hiện nay có rất nhiều quý bà, thậm chí vài người trong số họ phải nói là “xinh ra phết”, ngồi ở ghế điều hành…
Như phóng sự mới đây của CNN (8/12/2011) cho biết, khi bắt đầu làm việc trong công nghiệp dầu cách đây hai thập niên, cô gái 20 tuổi Dorothy Atake không được phép qua đêm ngoài giàn khoan. Bây giờ, với vị trí một trong những giám đốc điều hành của Hãng dầu Sinopec Addax Petroleum (Nigeria), Dorothy Atake tất nhiên muốn ra và ngủ lại giàn khoan bao nhiêu ngày tùy thích.
Tương tự, khi Hinda Gharbi chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực dầu khí, các giàn khoan còn chưa có phòng vệ sinh riêng dành cho nữ. Trải qua 9 vị trí khác nhau và làm việc tại 7 nước, bây giờ Gharbi (từng đến Việt Nam) là Chủ tịch Schlumberger Asia – một trong những tập đoàn dịch vụ dầu khí lớn nhất thế giới. Phòng vệ sinh là một chuyện. Việc làm thế nào để nữ giới tham gia nhiều hơn các vị trí lãnh đạo mới là vấn đề phức tạp gay góc hơn.
Karen Agustiawan với tham vọng đưa công nghiệp dầu khí Indonesia lên đẳng cấp toàn cầu
Cho đến nay, “dù việc thành thục kỹ thuật đã được chứng minh thực tế, phụ nữ vẫn tiếp tục nằm ở “chiếu dưới” trong những vị trí lãnh đạo” – phát biểu gần đây của Nishi Vasudeva, Giám đốc tiếp thị của Tập đoàn Dầu khí Hindustan (Ấn Độ). Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình hình không đến nỗi quá bi đát. Hiện giới nữ chiếm đến 12% các vị trí điều hành tại những nhà máy lọc dầu của ExxonMobil.
Tại Đại hội Dầu khí thế giới lần thứ 19 tổ chức tại Madrid (Tây Ban Nha) giữa năm 2008, người ta thấy hội trường bắt đầu có nhiều váy thay vì chỉ veston – một hiện tượng đáng được ghi nhận. Tỉ lệ quý bà ngồi ghế điều hành tại BP đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2000-2007. Cụ thể, báo cáo toàn cầu hàng năm 2007 cho biết, giới nữ chiếm 31% vị trí chuyên môn, 20% vị trí kỹ thuật, 17,1% vị trí điều hành (so với 8,9% năm 2000) và 12,1% vị trí điều hành cấp cao (so với 7,2% năm 2000).
Có khá nhiều gương mặt phụ nữ tiêu biểu trong công nghiệp dầu khí hiện nay. Karen Agustiawan là một ví dụ. Năm 2009, khi Agustiawan (sinh năm 1958) được bổ nhiệm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Dầu khí Quốc gia PT Pertamina (Indonesia), đã có nhiều ý kiến xì xào bàn ra tán vào, hoài nghi khả năng thành công của gương mặt nữ từng lăn lộn một phần tư thế kỷ trong công nghiệp dầu khí này. Sau khi tốt nghiệp Viện Kỹ thuật Bandung với chuyên ngành lý kỹ thuật, Agustiawan thoạt đầu dự tính theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, nhưng cuối cùng, với lời khuyên từ bố (một giáo sư, từng trở thành người Indonesia đầu tiên làm công sứ cho Tổ chức sức khỏe thế giới), bà bắt đầu thay đổi.
“Tôi đang tính thi cao học nhưng bố nói tôi và chồng nên hoàn thiện bổ sung cho nhau. Bố nói nếu một trong hai chúng tôi đi theo nghề nghiên cứu thì người kia phải làm trong ngành công nghiệp. Lúc đó, chồng tôi đang làm nhà nghiên cứu tại Cơ quan kỹ thuật-nghiên cứu ứng dụng nên tôi quyết định nộp đơn xin vào một công ty dầu khí tư nhân” – Agustiawan kể.
Lynn Elsenhans - nhân vật đầu tiên trở thành CEO (Giám đốc điều hành) trong làng công nghiệp dầu khí thế giới
Từ đó đến nay, vợ chồng Agustiawan luôn “hoàn thiện và bổ sung cho nhau”. Hiện chồng bà, Herman Agustiawan, làm tại Hội đồng năng lượng quốc gia, trong khi bà tiếp tục mải mê với nghề “bơm dầu”, trải qua nhiều chức vụ, từ nhà phân tích và thảo chương cho Mobil Oil Indonesia giữa thập niên 80; dọn đến Texas làm viên chức trong bộ phận điện toán khai thác cho Mobil Oil cuối thập niên 80 và đầu 90; trở về Indonesia làm giám đốc dự án phụ trách bộ phận điện toán khai thác dầu khí của Mobil Oil Indonesia; giám đốc phát triển doanh nghiệp cho Landmark Concurrent Solusi Indonesia; giám đốc thương mại cho Halliburton Indonesia rồi cuối cùng về “tắm ao ta” ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Pertamina…
Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Jakarta năm 2011, Agustiawan đã phát biểu trước cử tọa, rằng mục tiêu của bà là đưa Pertamina trở thành công ty dầu khí đẳng cấp thế giới. “Chúng tôi muốn là một công ty dầu quốc gia đẳng cấp thế giới vào trước năm 2023 – có nghĩa chúng tôi được kính nể bởi các công ty dầu khí khác, với vai trò quan trọng trong công nghiệp năng lượng toàn cầu, cùng tư cách (sẽ) là một trong 15 công ty dầu hoạt động tốt nhất thế giới” – Agustiawan nói.
Gương mặt thứ hai không thể không kể là Lynn Elsenhans, nhân vật nữ duy nhất hiện nay ngồi ghế điều hành trong làng công nghiệp dầu khí Mỹ, người từng được Tạp chí kinh tế Forbes xếp thứ 10 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2009; và đứng thứ 35 trong 50 gương mặt quyền lực nhất làng nữ doanh nghiệp Mỹ trong danh sách Fortune 2011. Với dân lãnh đạo dầu khí thế giới, Elsenhans (tốt nghiệp Đại học Harvard) chẳng là gương mặt lạ. Trong 28 năm làm việc cho Royal Dutch Shell, Elsenhans từng ngồi ở hầu hết vị trí điều hành. Năm 1999, bà từng được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Shell Oil Products East (đóng tại Singapore). Sau đó, Elsenhans được đưa lên ghế Chủ tịch Shell Oil Co. và Giám đốc điều hành Shell Oil Products U.S. rồi Phó chủ tịch điều hành sản xuất toàn cầu của Royal Dutch Shell.
Năm 2008, khi Elsenhans loan bố nghỉ khỏi Royal Dutch Shell, người ta những tưởng bà đã cảm thấy mệt mỏi và muốn “giã từ vũ khí”. Tuy nhiên, bà lại về làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành cho Sunoco – nhà sản xuất hóa dầu khổng lồ tại Mỹ (được thành lập từ thế kỷ XIX), một trong những nhà phân phối nhiên liệu lớn nhất thị trường Mỹ. Thời điểm Elsenhans về Sunoco, nhu cầu nhiên liệu đang tuột dốc, bởi suy thoái kinh tế. Elsenhans phản ứng bằng cách đóng cửa một nhà máy lọc dầu rồi thêm vài nhà máy nữa. Bà đã đặt mình vào vị thế của một người bằng mọi giá phải cứu sống một công ty với hơn 14.000 nhân viên, với loạt câu hỏi tự vấn: Làm thế nào để mang lại hy vọng cho nhân viên; Đâu là tiềm lực, nội lực và điểm yếu của công ty; Làm thế nào để biến những mối đe dọa thành cơ hội… Vấn đề đáng quan tâm ở chỗ, Elsenhans không chỉ biết nêu câu hỏi mà bà đã thành công trong việc tìm lời giải. Đó mới là điều đáng nói nhất, đối với một giám đốc điều hành, mà lại là một gương mặt nữ…
Phúc Cẩm
Được tạo bởi Blogger.